Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và được dự báo sẽ gia tăng mức độ nghiêm trọng cùng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, đặc biệt ở vùng ven biển. Xâm nhập mặn và khô hạn đe dọa sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Tình trạng thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sản xuất, đặc biệt về nguồn cung cấp nước. Dự đoán nếu mực nước biển tăng và lưu lượng nước mùa kiệt giảm vào năm 2030, xâm nhập nước mặn sẽ lan rộng hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Xã Vĩnh Hải là xã giáp biển và chịu tác động trực tiếp, đặc biệt là đối với phụ nữ. Họ tiếp xúc nước mặn nhiều hơn nam giới, gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh lý về da, tiêu chảy,… Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về xâm nhập mặn ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là của người phụ nữ tại những khu vực chịu ảnh hưởng bởi mặn. Vì thế, nghiên cứu này có vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu và đề xuất giải pháp để nâng cao nhận thức, năng lực phụ nữ góp phần bảo vệ sức khỏe của họ; đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trước rủi ro của xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu nói chung.
Mục tiêu dự án là khảo sát và thu thập thông tin từ 40 người dân trong khoảng thời gian từ 18/7 – 25/7/2023 tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng để đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến sức khỏe phụ nữ. Đồng thời, tìm hiểu nhận thức của người dân về vấn đề xâm nhập mặn, và bảo vệ sức khỏe, từ đó đưa ra những giải pháp giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong việc định hình và thực hiện các biện pháp ứng phó với tác động của xâm nhập mặn đối với sức khỏe của họ. Cuối cùng, đề xuất các chiến lược thúc đẩy nâng cao năng lực của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong việc đối phó với tác động của xâm nhập mặn.